Thi cử và chính sách dùng người Nhà Mạc

Thi cử

Nhà Mạc rất chú trọng tới nhân tài từ tuyển chọn qua đường thi cử. Tuy chiến tranh, nhưng nhà Mạc cũng chú ý đào tạo và xây dựng hệ thống quan lại thông qua 22 kỳ khoa cử với chu kỳ ba năm một lần, bắt đầu từ năm 1529 và chấm dứt năm 1592. Chẳng hạn năm 1535, nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Khắc Đốc, Nguyễn Thừa Hưu đỗ tiến sĩ cập đệ; Nguyễn Di Lượng cùng 6 người khác đỗ tiến sĩ xuất thân; Nguyễn Trùng Quang cùng 21 người khác đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Một ghi nhận nữa là tận năm 1592, khi chiến sự bên bờ nam sông Hồng diễn ra ác liệt trước cuộc tổng tấn công của quân Lê Trịnh, vua Mạc Mậu Hợp vẫn tổ chức thi ở Bồ Đề bên kia sông theo đúng định kỳ để lấy được 18 tiến sĩ. Trong 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc mở 21 kỳ thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ và 13/46 trạng nguyên[27] trong 800 năm thi cử Nho học thời phong kiến Việt Nam.

Khi rút lên Cao Bằng, họ Mạc vẫn tổ chức thi cử để lấy người hiền tài. Có một kỳ thi người đỗ đầu là một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Duệ[28] tức Nguyễn thị Du

Cách trân trọng nhân tài của nhà Mạc được tác giả Nguyễn Bá Trác thế kỷ 19, tác giả Hoàng Việt Giáp tý niên biểu nhắc tới mấy chữ dư âm: "Mạc thị sùng Nho" - Họ Mạc sùng đạo Nho.

Người cựu triều

Trong sách "Nhà Mạc và vấn đề nguỵ triều trong sử sách",[29] các nhà nghiên cứu ghi nhận nhà Mạc đã mạnh dạn sử dụng quan lại cũ của nhà Lê, điển hình là 4 trạng nguyên đỗ thời Lê sơ: Nguyễn Giản Thanh, Hoàng Văn Tán, Ngô Miễn Thiệu, Trần Tất Văn.

Ngoài ra, trong quá trình "bình định thiên hạ", Mạc Thái Tổ đã "thu phục" nhiều tướng lĩnh giỏi của nhà Lê như Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Vũ Hộ, Phạm Gia Mô... những người đắc lực giúp ông mở ra nhà Mạc.

Cởi bỏ thù hằn

Không chỉ dám dùng người cựu triều thù địch, nhà Mạc còn dám trọng dụng cả những người từng theo địch trở về. Điều này được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao.

Vụ ly khai của hai nhà thông gia Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến năm 1550 kéo theo một loạt con em của hai họ này, cũng đều là đại thần nhà Mạc như Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Khải Khang, Lê Khắc Thận. Nhưng tới năm 1558, khi hai cha già họ Lê và họ Nguyễn qua đời, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn trở về theo Mạc và được trọng dụng không chút nghi ngờ. Miễn được gả công chúa làm phò mã, Quyện trở thành cha vợ vua (Mậu Hợp) rồi sau đó liên tiếp lập công đánh bại quân Lê Trịnh, thành danh tướng Bắc triều. Kết quả đó lôi kéo Lê Khắc Thận, dù đã làm tới thái phó của Lê Trịnh vẫn vượt luỹ về Mạc năm 1572.

Thật hiếm triều đại nào có chính sách dùng người cởi mở, bao dung trong thời kỳ loạn lạc như nhà Mạc, nếu so sánh những sự kiện trên với các triều đại khác. Sự bao dung của nhà Lý, nhà Trần với vài thủ lĩnh nổi dậy chỉ là cách đối phó để giữ miền biên xa xôi, không dùng với tướng sĩ "người miền xuôi" đã phản.[cần dẫn nguồn] Hậu Trần Giản Định Đế nghi ngờ Đặng TấtNguyễn Cảnh Chân từng phục vụ nhà Hồ và hàng quân Minh nên giết 2 tướng giỏi; Lê Thánh Tông giết đại thần Lê Lăng vì từng ủng hộ Lê Khắc Xương lên ngôi... Có lẽ nhà Mạc đã học được tấm gương của Tề Hoàn Công thời Xuân Thu dám dùng Quản Trọng, dù từng có cái thù bắn tên vào đai áo[30].[cần dẫn nguồn]

Chính sách dùng người của nhà Mạc còn được đời sau ca ngợi. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cuối thời Lê trung hưng ghi: "cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết..."[31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Mạc http://hocongtoc.com/khamdinh/kdvstgcm39.html http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/kdv... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh97004033 http://www.caobang.gov.vn/default.aspx?tabid=253&I... http://www.langson.gov.vn/details.asp?Object=25954... http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=56 http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2354&Cat... http://vanhien.vn/news/Nha-Mac-voi-3-thoi-ky-lich-...